Chỉ đạo quyết liệt - Hướng dẫn cụ thể, chi tiết
Ngay từ tháng 9/2012, Sở Nông nghiệp và PTNT Sóc Trăng đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 40/KH-UBND về việc thực hiện Quyết định số 188/QĐ-TTg ngày 13/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020; ban hành Quyết định số 675/QĐHC-CTUBND ngày 30/6/2014 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng, phê duyệt Dự án tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng và học sinh về Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2014-2015.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định 339/QĐTC-CTUBND ngày 07/8/2012 về việc thành lập Ban Chỉ đạo Quản lý Khai thác, Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản tỉnh Sóc Trăng (trên cơ sở kiện toàn Ban Chỉ đạo Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh). Sau khi được thành lập, Ban Chỉ đạo đã ban hành Quyết định số 02/QĐ.BCĐ-UBND ngày 07/02/2013 về việc thành lập Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo Quản lý Khai thác, Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản tỉnh Sóc Trăng. Nhờ đó, công tác tham mưu đi vào trọng tâm và thực hiện có hiệu quả.
|
Ngày 22/4/2015, Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục tham mưu UBND tỉnh kiện toàn Ban Chỉ đạo tỉnh theo Quyết định số 928/QĐ-UBND; Sau đó, thực hiện Chỉ thị 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Quyết định số 2009/QĐ-UBND ngày 22/7/2019, về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo Bảo vệ nguồn lợi thủy sản và Chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
Ngoài ra, để triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 01/CT-TTg, Quyết định 188/QĐ-TTg và Chỉ thị số 19/CT-TTg, Ban Chỉ đạo tỉnh Sóc Trăng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành. Qua đó, đã yêu cầu Ủy ban nhân các huyện, thị xã, thành phố thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo cấp huyện để triển khai thực hiện hiệu quả công tác Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương; Đồng thời, ban hành công văn số 09/BCĐ ngày 23/5/2016 yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố thực hiện công văn số 1495/VP-KT ngày 22/4/2016 của UBND tỉnh Sóc Trăng và công văn số 2232/BNN-TCTS ngày 22/3/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tăng cường công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Tổ chức Hội nghị sơ kết, thực hiện công tác Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2012-2015, kế hoạch 2016-2020; Tổ chức Hội nghị sơ kết 05 năm thực hiện Quyết định 188/QĐ-TTg ngày 13/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch giai đoạn 2019-2020 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 01/1998/CT-TTg, triển khai Chỉ thị 19/CT-TTg ngày 30/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chỉ thị 01/1998/CT-TTg ngày 02/01/1998 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; Hội nghị tổng kết 4 năm thi hành quyết định 33/2012/QĐ-UBND ngày 29/6/2012 của UBND tỉnh Sóc Trăng ban hành quy định về quản lý khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; Hội nghị sơ kết 4 năm công tác phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2013-2016, kế hoạch giai đoạn 2017-2020 và ký kết lại Bản ghi nhớ phối hợp giai đoạn 2017-2020 và các công văn chỉ đạo, điều hành, báo cáo khác...
Thường xuyên duy trì công tác điều tra, cập nhật dữ liệu thủy sản
Để điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản vùng ven biển, vùng nội địa, Sở Nông nghiệp và PTNT Sóc Trăng đã giao Chi cục Thủy sản thực hiện thống kê sản lượng khai thác thủy sản hàng tháng, làm cơ sở dữ liệu quản lý hoạt động khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh. Giao Chi cục Thủy sản phối hợp với Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II thực hiện đề tài khoa học công nghệ cấp tỉnh “Đánh giá tác động của thủy sinh vật ngoại lai đến nguồn lợi thủy sản tự nhiên trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2015-2017”. Kết quả: Đã xác định được 62 loài thủy sinh vật ngoại lai trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, trong đó có 27 loài xuất hiện ngoài tự nhiên và 35 loài được ương, nuôi tại các cửa hàng cá cảnh trên địa bàn tỉnh.
Về hệ thống cơ sở dữ liệu nguồn lợi thủy sản, Sở đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản và Ban quản lý Cảng cá Trần Đề tỉnh Sóc Trăng thường xuyên cập nhật cơ sở dữ liệu nghề cá vào Hệ thống thông tin Vnfishbase. Đến nay, đã cập nhật đầy đủ thông tin đăng ký, đăng kiểm và giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá, công tác cập nhật thông tin tàu thuyền xuất/cập cảng được các thành viên Tổ kiểm soát cập nhật hàng ngày lên Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia.
Ngăn chặn sự suy giảm nguồn lợi thủy sản
Thực hiện Chỉ thị 01/1998/CT-TTg và Quyết định 33/2012/QĐ-UBND từ năm 2012 đến nay, hoạt động kiểm tra, giám sát bảo vệ nguồn lợi thủy sản được duy trì thực hiện thường xuyên. Việc phối hợp, lồng ghép công tác Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản vào trách nhiệm của các ngành, các cấp và các lực lượng vũ trang nhân dân… đã giúp công tác quản lý Khai thác, Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản ở Sóc Trăng có nhiều chuyển biến tích cực; các nghề khai thác (nằm trong danh mục cấm) được rà soát, ngăn chặn có hiệu quả; nhiều giống loài có nguy cơ bị suy giảm đã có dấu hiệu phục hồi và phát triển tốt (nhất là các loài thuỷ sản nước ngọt). Đã phát hiện 6.431 vụ vi phạm và đã tiến hành xử phạt hành chính.
Trong hai năm 2015-2016, Sóc Trăng đã lần lượt triển khai 02 mô hình “Địa phương không có người dân sử dụng xung điện và chất độc để khai thác thủy sản” với mục tiêu xã hội hóa công tác quản lý khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, có sự tập trung chỉ đạo quyết liệt, từng bước loại bỏ các nghề cấm trong khai thác thủy sản; 01 mô hình tại xã Tham Đôn (huyện Mỹ Xuyên) và 01 mô hình tại phường 2 (thị xã Ngã Năm). Khi triển khai 02 mô hình, đã tiến hành tuyên truyền đến người dân trên địa bàn các quy định trong quản lý khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Thông qua 02 mô hình thí điểm này, đã nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ nguồn lợi và môi trường thủy sản, hạn chế nghề cấm; Hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản ngày càng đi vào ổn định. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp tỉnh đã thành lập đường dây nóng (tại Chi cục Thủy sản) và ban hành quy chế hoạt động để người dân phản ánh kịp thời các trường hợp gây tổn hại đến nguồn lợi thủy sản.
Bảo tồn, bảo vệ hệ sinh thái thủy sinh và loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm
Tỉnh Sóc Trăng đã rà soát, đề xuất bổ sung các khu vực biển có tiềm năng để đề xuất thành lập các khu bảo tồn biển. Về công tác bảo vệ, bảo tồn các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm: Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Chi cục Kiểm Lâm, Chi cục Thủy sản phối hợp Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường tuyên truyền cho người dân Danh mục các loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm, tổ chức in 2.000 tài liệu tuyên truyền bảo vệ rùa biển. Hàng năm, vận động người dân nếu bắt được các loài sinh vật quý hiếm đều thả về môi trường tự nhiên.
Phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái thủy sinh
Hàng năm, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp các Sở, ngành có liên quan tổ chức thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản vào các sự kiện quan trọng như Lễ kỷ niệm Ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam 1/4, Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5, ngày Môi trường thế giới 05/6 và ngày Quốc khánh 02/9. Trong giai đoạn 2012-2020, toàn tỉnh đã vận động đóng góp trong và ngoài tỉnh, thả về tự nhiên trên 17 triệu giống tôm sú và trên 1,5 triệu giống cá nước ngọt.
Về công tác phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh: Năm 2013, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Sóc Trăng đã ký Bản ghi nhớ phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng. Đến đầu năm 2017, Tổng cục Thủy sản ký kết Bản ghi nhớ với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Trung ương Việt Nam, đồng thời chỉ đạo các địa phương tăng cường tuyên truyền cho các bà con Phật tử về bảo vệ các loài thủy sản còn non, không thực hiện các hành vi khai thác hủy diệt (như dùng xung điện, thuốc độc) và vận động thả cá phóng sinh nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản, tạo sự cân bằng trong tự nhiên. Hưởng ứng lời kêu gọi từ Ban Trị sự, hàng năm toàn tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức trên 200 đợt thả cá phóng sinh nhân các ngày Lễ Hoa đăng, Lễ Vu lan, Lễ Phật đản…
|
Để phục hồi một số hệ sinh thái điển hình (như: san hô, cỏ biển, rừng ngập mặn, thả rạn nhân tạo, tạo sinh cảnh, nơi cư trú, sinh sản và sinh trưởng của các loài thủy sản), Sở Nông nghiệp và PTNT đã phân công Chi cục Kiểm Lâm phối hợp chính quyền địa phương và các đơn vị có liên quan, thực hiện công tác kiểm tra bảo vệ rừng và bàn giao mặt bằng trồng rừng của Dự án Lâm nghiệp tại 03 huyện thị xã ven biển. Triển khai kế hoạch trồng cây phân tán năm 2019, thường xuyên trồng bổ sung, chăm sóc rừng ngập mặn, tạo nơi cư trú, sinh sản và sinh trưởng của các loài thủy sản; Đồng thời, thực hiện công tác phục hồi môi trường sống của các loài thủy sản; Phối hợp các ngành chức năng tuyên truyền về bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản, thường xuyên tổ chức kiểm tra bảo vệ rừng, môi trường sống của các loại thủy sản dưới tán rừng, trồng rừng khôi phục nơi cư trú của các loài thủy sản.
Triển khai Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn
Tính đến nay, Sóc Trăng đã tổ chức 08 lớp tập huấn phổ biến, tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật về Luật Thủy sản 2017; Nghị định 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ; Nghị định số 42/2019/NĐ-CP; Thông tư 21/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… Sở Nông nghiệp và PTNT đã giao Chi cục Thủy sản, Ban quản lý Cảng cá Trần Đề phối hợp cùng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Trần Đề tổ chức phát thanh trên đài phát thanh huyện, hệ thống phát thanh trong Cảng cá hàng tuần về các quy định trong Luật Thủy sản 2017, Nghị định 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ; Nghị định số 42/2019/NĐ-CP; Kế hoạch số 87/KH-UBND của UBND tỉnh về triển khai lắp thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá và các qui định mới khác.
Để công tác triển khai thực hiện Luật Thủy sản được kịp thời và sâu rộng trong nhân dân, ngày 24/9/2018 Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Kế hoạch số 97/KH-UBND về triển khai thi hành Luật Thủy sản 2017 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; Quy chế phối hợp số 208/QCPH-UBND này 14/01/2019 giữa UBND các tỉnh Bến Tre, Bình Thuận, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và tỉnh Cà Mau trong công tác quản lý tàu cá hoạt động khai thác thủy sản trên biển; Kế hoạch số 07/KH-UBND ngày 22/01/2018, thực hiện Chỉ thị 45/CTTTg ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU)…
Từ năm 2012 đến năm 2020, toàn tỉnh đã tổ chức dựng 100 bảng cấm sử dụng nghề khai thác hủy diệt trong hoạt động khai thác thủy sản tại 20 xã trọng điểm về nguồn lợi thủy sản nội đồng. Tổ chức trên 1.000 đợt tuần tra, kiểm soát nghề cấm khai thác thủy sản, cho 3.151 hộ dân thực hiện cam kết không vi phạm nghề cấm trong khai thác thủy sản.
Bên cạnh đó, tỉnh Sóc Trăng còn thực hiện Cộng đồng tham gia quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, môi trường sống của các loài thủy sản và xây dựng nông thôn mới; Khoa học công nghệ và khuyến ngư; Quản lý nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái thủy sinh trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; Quản lý nguồn lợi thủy sản trong khu bảo tồn đất ngập nước; Đặc biệt là, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện Qui chế phối hợp với các lực lượng Công an, Biên phòng; giao Chi cục Thủy sản phối hợp các phòng chức năng Công an, Biên phòng tổ chức tuyên truyền về công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đồng thời tăng cường công tác tuần tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven biển và trên các tuyến sông; phát hiện, xử lý hành chính các vụ vi phạm. Nhờ đó, công tác Bảo vệ - Phát triển nguồn lợi thủy sản được tỉnh Sóc Trăng triển khai thực hiện hiệu quả trong suốt 8 năm qua.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức của người dân về Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản, tác hại của thủy sinh vật ngoại lai được các cấp trong tỉnh rất quan tâm và thực hiện hiệu quả. Trong giai đoạn 2012-2020, toàn tỉnh đã tổ chức được 3.765 lớp tuyên truyền cho cộng đồng về Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản với 97.813 lượt người tham dự, cấp phát 105.382 tài liệu các loại. Thông qua các lớp tập huấn, người dân đã nhận thức rõ hơn về thực trạng tác động của con người đến môi trường tự nhiên, tình hình biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn lợi thủy sản; cách thức quản lý và sử dụng bền vững nguồn lợi thủy sản Việt Nam.
Ngọc Thúy – FICen